CEO Yến Nhi – Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng
“Khi mới bắt đầu thành lập doanh nghiệp, tôi còn yếu về kiến thức kinh doanh, nguồn vốn thì hạn hẹp, bản thân lại còn quá trẻ về tuổi đời và kinh nghiệm thương trường. Cảm thấy mình như “trứng chọi đá”” – Chị Phạm Thị Yến Nhi – Người sáng lập và Điều hành Công ty Giải trí Mầm Trúc – Tanabata chia sẻ.
Cả gan đem “Trứng chọi đá”
Năm 2013, chị Phạm Thị Yến Nhi tốt nghiệp đại học. Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa lúc bấy giờ mơ ước xin được vào các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để có mức lương cao thì Yến Nhi quyết tâm mở đường kinh doanh riêng của mình.
“Ngay từ khi đang học mình đã xác định sẽ phải kinh doanh riêng rồi. Nhưng khi ra trường, mình lại khá loay hoay không biết nên làm gì. Trong lúc đang rối đó mình quay ra định làm quán café, mình đã đầu tư mua máy pha café rồi nhưng sau khi bình tĩnh lại thì thấy khả năng cạnh tranh của mình ở lĩnh vực này khá thấp. Mình xác định phải tìm gì đó thật mới mà người ta chưa làm thì mình mới tồn tại được.”
Có kinh nghiệm 2 năm làm quản lý quán bar nên chị Yến Nhi xác định đây là lĩnh vực thế mạnh của mình. Sau khi nghiên cứu thị trường, chị nhân thấy nhóm đối tượng khách Nhật đến các tụ điểm vui chơi của Việt Nam khá đông, tuy nhiên lại chưa có một địa điểm giải trí nào dành riêng cho họ. Không những thế, việc dịch chuyển của người Nhật sang các quốc gia Đông Nam Á đang trở thành xu hướng. Do giai đoạn khủng hoảng năm 2010 – 2012 nước Nhật gặp khó khăn về thiên tai, dân số, kinh tế… người Nhật trẻ có nhu cầu tìm kiếm một môi trường mới tốt hơn. Vì vậy họ đã sang các nước Đông Nam Á để sinh sống và làm việc.
Nhận ra được thị trường ngách của ngành giải trí, chị mạnh dạn đầu tư quán bar Nhật dành riêng cho du khách và người Nhật sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Công ty Giải trí Mầm Trúc – Tanabata chính thức ra đời từ đó.
“Khi mới bắt đầu thành lập doanh nghiệp, tôi còn non kém về kiến thức kinh doanh, nguồn vốn thì hạn hẹp, bản thân lại còn quá trẻ về tuổi đời và kinh nghiệm thương trường, cảm thấy mình như trứng chọi đá.”, chị Yến Nhi nhớ lại.
Và vì thế, chị đã đặt cược sự nghiệp của mình vào quán bar đầu tiên tại TP HCM. Nhiều người đã gọi đó là sự “liều lĩnh”.
Bài học lợi nhuận 1USD
Biết mình là “trứng chọi đá” khi tham gia thương trường lúc tuổi đời và kinh nghiệm còn non trẻ nên chị Yến Nhi liên tục học hỏi và trau dồi kiến thức. Tuy nhiên, việc kinh doanh cũng không tránh khỏi những vấp ngã, thăng trầm.
“Sau khi Tanabata hoạt động 1 năm, nhân viên của mình có 11 người thì 9 người xin nghỉ. Mình tìm hiểu ra thì mới biết nhiều quán đã sao chép mô hình của Tanabata và mời chính nhân viên mình đào tạo về đó làm việc với mức lương cao hơn”.
Sau khi gặp khủng hoảng về nhân sự, Tanabata liên tục phải bù lỗ. Sự khó khăn về cạnh tranh trên thương trường nhiều lúc đã làm người khởi nghiệp nản chí.
“Lúc đó mình đã tính là dừng lại. Mình xin phép gia đình để mang toàn bộ số tiền còn lại là 50 triệu đi làm từ thiện. Sau đó sẽ trở về và đóng cửa quán bar.”
Chị Yến Nhi đến vùng hứng chịu cơn bão Hải Yến với hành trang là sự thất vọng về bản thân và sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, khi chứng kiến hậu quả của cơn bão nặng nề khiến những người dân không còn cơm ăn, áo mặc; đôi dép 1USD chị tặng cho người dân được họ nâng niu, trân trọng thậm chí không dám đi. Chị đã có một góc nhìn khác.
“Thực sự trước đó thấy chán nản lắm. Nhưng khi đến gặp những người dân tại đây, thấy đôi dép 1 USD mà họ lại quý như vậy. Trong khi đó, mình có rất nhiều 1USD sao mình lại không trân trọng? Thực sự mình thay đổi hoàn toàn về tư duy sau bài học 1USD này. Thấy bản thân may mắn hơn quá nhiều người, nó tạo cho mình một tâm thế mới, một nguồn sinh lực mới rất mạnh mẽ.”
Trở về Việt Nam, chị quyết tâm phải tiếp tục công việc, dù cho mỗi quán bar chỉ lợi nhuận ban đầu là 1USD, 100 quán bar sẽ là 100USD. Số tiền này có thể giúp cho bản thân chị, cho Tanabata và cho cả cộng đồng.
Trưởng thành để “Biết người biết ta”
Sau những thất bại ban đầu, chị Yến Nhi đã có những bài học sâu sắc về sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Khi bắt tay xây dựng lại từ đầu, chị nghiên cứu kỹ hơn về thị trường, về đối thủ cạnh tranh. Từ đó chị xác định, để có thể đi đầu thì phải luôn sáng tạo và đổi mới nhưng cần có chiến lược bài bản và chuyên nghiệp. Chị đã nhờ tới sự tư vấn của các chuyên gia để có những bước đi vững chắc nhất.
Nội tại doanh nghiệp thì chị liên tục mở các lớp đào tạo về giao tiếp, chuyên môn cho các nhân viên trong Công ty. Chị xác định đối với ngành dịch vụ của doanh nghiệp mình, yếu tố nhân sự có tính quyết định lớn. Chị thường xuyên tổ chức các buổi dã ngoại, xây dựng team building để giúp các nhân sự gắn bó và đoàn kết với nhau, từ đó tăng thêm nhiệt huyết và tinh thần làm việc đội nhóm.
“Sau một quá trình tập trung đầu tư vào chất lượng dịch vụ và nhân sự, tập thể Tanabata đã trở thành khối đoàn kết với mục tiêu là luôn phá vỡ các kỷ lục được đặt ra. Hôm nay kỷ lục có thể là 100 những ngày mai mình có thể đạt được 1000.”, (cười) chị Yến Nhi chia sẻ.
Khi tham gia chương trình CEO – Chìa khoá thành công trên VTV1 – Đài truyền hình Việt Nam, chị đã chia sẻ những kết quả đáng tự hào của mình. Theo đó, sau gần 5 năm nỗ lực bền bỉ, ngày hôm nay Tanabata đã sở hữu gần 20 quán bar Nhật trải dài từ Nam ra Bắc, thậm chí phát triển sang cả các nước láng giềng như Malaysia, Campuchia. Dự kiến cuối năm 2020, con số sẽ lên tới 100 quán bar khắp khu vực Đông Nam Á.
Khởi đầu sự nghiệp với mô hình kinh doanh ban đầu bị nhiều người gọi là “liều lĩnh”, “trứng chọi đá” nhưng “quả trứng” Tanabata đó đã không vỡ mà còn cứng cáp hơn sau những thăng trầm. Theo các chuyên gia, tâm thế của CEO Phạm Thị Yến Nhi chính là “biết người biết ta”, khi chị đã khôn ngoan tìm ra thị trường ngách, tìm hướng đi khác biệt để “trăm trận trăm thắng.”
PV – Theo báo VĂN HÓA DOANH NHÂN